LÁ XÔNG TẮM NGƯỜI DAO ĐỎ
2 Tháng trước 320
ncxjcjc Xã Mường Lói Thành Phố Điện Biên Phủ Điện Biên

Độc đáo bài thuốc tắm của người Dao đỏ


Đây là thông tin trên báo ''Sức khỏe và đời sống'' ngày 13-9-2022SKĐS -


Trong cộng đồng người Dao, hầu hết các thành viên trong mỗi hộ gia đình đều biết cây thuốc tắm. Tuy nhiên, phụ nữ Dao thường biết nhiều hơn, biết rõ nơi mọc của chúng và cách khai thác bền vững nguồn tài nguyên để còn có thể sử dụng lâu dài.


Lá tắm người Dao đỏ là một trong những sản phẩm quý của vùng Tây Bắc, cách dưỡng sinh này có giá trị tốt với những bệnh nhân mắc bệnh đau nhức xương khớp, đặc biệt là phụ nữ sau khi sinh nở.


Thực tế, bài thuốc tắm lá thuốc cổ truyền của người Dao đỏ được khoa học thừa nhận đem lại sức khỏe cho con người. Bài thuốc có tác dụng trị phong thấp, đau nhức xương, chân tay tê mỏi, trị ra mồ hôi tay, chân; chữa bệnh ngoài da, giúp cho làn da sáng trắng và mịn màng. Bên cạnh đó, nó còn giúp chống mỏi mệt, tăng cường sinh lực, giải độc tố trong cơ thể khi dùng bia, rượu... Đặc biệt, đối với phụ nữ sau khi sinh, còn giúp lưu thông khí huyết, phục hồi sức khỏe nhanh, phòng tránh hậu sản...


Thuốc tắm, tri thức dân gian của người Dao đỏ


Trong nhiều cộng đồng dân tộc ở miền núi, ngoài các dạng thuốc truyền thống thường gặp như thuốc sắc, rượu thuốc, cao thuốc để uống, thuốc đắp bó gãy xương... còn có thuốc tắm của người Dao. Đó là một dạng đặc trưng về cách sử dụng cây cỏ làm thuốc để chăm sóc sức khoẻ và chữa bệnh đã có từ rất xa xưa, một nét đẹp văn hoá y học gia truyền trong cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam. Thuốc tắm (tiếng Dao gọi là Đìa dảo xin) không chỉ của người Dao đỏ ở Sa Pa (Lào Cai) mà còn là dạng thuốc của các nhóm người Dao khác ở Việt Nam.


Theo những người có kinh nghiệm làm thuốc, mỗi bài thuốc tắm được người Dao đỏ chế biến từ 10 -120 loại lá cây, thân cây dược liệu khác nhau. Mỗi loại thảo dược để phát huy tốt nhất công dụng phải có cách sơ chế khác nhau. Có loại phơi hoặc sao khô đúng cách, hoặc sử dụng tươi mới cho kết quả sử dụng tốt nhất. Nếu sử dụng tại chỗ cho nhu cầu trong gia đình hay cho khách tắm tại nhà như đã được tổ chức gần đây ở các xã Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa) thì dùng tươi. Đối với một số cây hiếm, cần dự trữ để sử dụng quanh năm thì người ta phải làm khô (thường bó lại từng nắm nhỏ rồi để trên gác bếp).


Một số loại thực vật có công dụng tốt cho da phải kể đến như kim ngân, thìa là, lá khế, hoàng bá nam và long não. Bên cạnh đó là những nguyên liệu tốt cho xương khớp như thổ lục linh, bách quản, tam huyết, thanh táo, thiên niên kiện, tân quy, lá lốt và những loại thảo dược hữu dụng với quá trình tiêu hóa của cơ thể như máng tang, mạn khâu từ, sả, hồi, quế, thủy xương bồ...


Đặc biệt, khi du lịch phát triển, thuốc tắm của người Dao Đỏ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo. Theo kinh nghiệm của người Dao đỏ, thuốc tắm người Dao phải sử dụng thùng tắm bằng gỗ pơ mu. Vì gỗ pơ mu có mùi hương dễ chịu và khi cộng hưởng cùng nước thuốc tắm nóng sẽ phát huy được hết những công dụng của bài thuốc.


Dùng đúng thời điểm để phát huy công dụng


Bà Chúc Thị Man, thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang-Tuyên Quang) chia sẻ, bà được mẹ truyền lại các bài thuốc dân gian. Để nhớ các loại cây thuốc, lúc còn bé bà vẫn theo mẹ đi lấy thuốc. Có cây không nhớ tên nhưng lấy mãi thành quen.


Thuốc nam của đồng bào Dao cần rất nhiều loại cây. Nếu chữa đau dây thần kinh 6 vị, đau dạ dày 5 vị, thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh 7 vị và thuốc uống là 4 vị, xương khớp 7 vị... Ưu điểm của các loại thuốc Nam là lành tính, có tác dụng bồi bổ cơ thể, thanh lọc gan, giải độc.


Rồi bà giải thích cặn kẽ rằng, thuốc muốn phát huy tác dụng cần phải dùng đúng thời điểm. Ví như thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh, đẻ sau 3 ngày thì tắm lá thuốc. Khi tắm, tuyệt đối không pha thêm nước và chỉ ngâm mình trong chậu nước thuốc để thuốc ngấm dần vào cơ thể. Ngày nào cũng tắm cho đến khi hết thuốc (khoảng 5-7 ngày). Nếu lấy được nhiều hơn thì tắm cả tháng càng tốt.


Kết hợp với với thuốc tắm là thuốc uống sau sinh. Phụ nữ đẻ xong, sau 30 phút uống luôn cây thuốc này (2 vị là hìa xám, cỏn chân) để cầm máu, sau đó một ngày uống sang vị khác (đìa gián và trằn hốp) để co dạ con. Phụ nữ Dao sau khi đẻ hầu hết cơ thể hồi phục nhanh, có thể lên nương, làm rẫy là bởi uống và tắm các vị thuốc này.


Cách sử dụng lá tắm người Dao đỏ


Theo TS Trần Văn Ơn ( Trường Đại học Dược Hà Nội): bài thuốc tắm của người Dao đỏ vô cùng độc đáo với hơn 120 loài cây thuốc, trong đó có nhiều loài cây chưa được biết đến một cách phổ biến. Bài thuốc đã được chứng minh là có tác dụng dược lý, bao gồm một số tác dụng như giảm đau, tác dụng giãn mạch ngoại biên và tác dụng trên cơ tim, huyết áp... Những tác dụng này đã được nhóm nghiên cứu chứng minh trên thực nghiệm.


Ngoài ra, bài thuốc tắm có giá trị rất tốt với phụ nữ sau sinh, có thể sử dụng theo một số cách dưới đây:


Dùng lau người sau sinh

Lấy khoảng 300g lá thuốc cho vào nồi, thêm vào 3 lít nước sạch, đun sôi, duy trì thời gian sôi nhỏ lửa khoảng 30-40 phút để các hoạt chất trong lá tắm hòa tan hết vào nước.


Sau khi nấu xong, gạn lấy phần nước đậm đặc này, thêm vào một ít nước sạch, hòa đều vừa đủ ấm, dùng khăn sạch nhúng vào và lau khắp người. Sau khi lau xong, dùng khăn sạch lau khô người, không cần lau lại bằng nước sạch.


Dùng tắm sau khi sinh


Thuốc tắm của người Dao dùng để tắm sau sinh thường 3 ngày, tắm sau sinh mổ 7 ngày.


Lấy khoảng 500g lá thuốc, thêm vào 5 lít nước sạch, đun sôi, duy trì thời gian sôi nhỏ lửa khoảng 30-40 phút để các hoạt chất trong lá tắm hòa tan hết vào nước. Sau khi nấu xong, gạn lấy phần nước đậm đặc này, thêm vào khoảng 40 lít nước sạch, hòa đều. (Lưu ý: có thể dùng nước sạch ấm hòa vào sao cho thùng nước vừa đủ ấm để tắm). Dùng nước này để tắm.


Sau khi tắm xong không cần tắm lại bằng nước sạch, dùng khăn khô lau người.


https://www.facebook.com/profile.php?id=100067028880374