CÁC CHỨC NĂNG SINH LÝ CỦA PROGESTERONE
Ở phụ nữ không có thai, progesterone chủ yếu được sản xuất tại buồng trứng và thượng thận. Ở phụ nữ có thai, bánh nhau là cơ quan sản xuất progesterone quan trọng. Mặc dù khả năng gắn kết với protein trong huyết thanh cao, thời gian bán hủy của progesterone trong cơ thể chỉ vào khoảng 5 phút. Progesterone đóng vai trò quan trọng trong điều hòa chu kì kinh nguyệt sau thời điểm phóng noãn. Dưới tác động của LH, hoàng thể sẽ tiết ra progesterone để kích thích nội mạc tử cung phát triển các tuyến chế tiết và phù hợp cho phôi làm tổ. Hoàng thể tiết progesterone trong khoảng 10- 12 ngày. Nếu không có hiện tượng phối làm tổ, hàm lượng progesterone và estrogen sẽ giảm nhanh và gây hiện tượng hành kinh. Nếu có hiện tượng thụ tinh và làm tổ, hoàng thể sẽ tiếp tục tiết ra progesterone để giúp duy trì thai kì trong thời gian đầu.
Progesterone được chế tiết trong cơ thể khoảng 1 mg/ngày trong pha nang noãn, 20-30 mg/ngày trong pha hoàng thể và có thể tăng đến hàng trăm mg mỗi ngày vào cuối thai kì.
Ngoài ra, progesterone còn giúp chuẩn bị nội mạc tử cung để đáp ứng với tác động của prostaglandin, giúp nội mạc tử cung có thể bong hoàn toàn trong giai đoạn hành kinh, khi có sự giảm nhanh của estrogen và progesterone vào cuối pha hoàng thể.
Progesterone kiểm soát các mô tuyến nội mạc tử cung đã được chuẩn bị với estradiol trước đó bằng cách giảm các thụ thể estrogen trên mỗ nội mạc tử cung. Đây là cơ chế giúp progesterone có tác dụng dự phòng ung thư nội mạc tử cung. Progesterone cũng kiểm soát quá trình phân bào của các tế bào nội mạc tử cung đã biệt hóa. Các bằng chứng gần đây cho thấy những sang thương không điển hình của nội mạc tử cung và ung thư nội mạc tử cung giai đoạn sớm ở phụ nữ trong tuổi sinh sản có thể được kiểm soát và ngăn chặn với progestin liều cao.
Progesterone tác dụng thông qua gắn kết thụ thể nội bào. Người ta tìm thấy thụ thể progesterone trên nhiều loại mô khác nhau trong cơ thể: hạ đồi, tuyến yên, hệ tim mạch, tuyến vú, xương, tụy, đường tiêu hóa, bàng quang và niệu đạo.